Hòa giải là một phương thức giải quyết tranh chấp lao động được nhiều nước trên thế giới sử dụng một cách hiệu quả. Hòa giải giải quyết tranh chấp lao động có thể do các chủ thể khác nhau thực hiện.
Thẩm quyền giải quyết tranh chấp lao động
Theo quy định của Bộ luật Lao động năm 2019, giải quyết tranh chấp lao động do hòa giải viên lao động, Hội đồng trọng tài lao động và tòa án nhân dân thực hiện ở các giai đoạn giải quyết khác nhau. Nhìn chung, trong quy trình giải quyết các tranh chấp lao động (bao gồm cả tranh chấp lao động cá nhân, tranh chấp lao động tập thể về quyền và tranh chấp lao động tập thể về lợi ích) đều phải trải qua thủ tục hòa giải, vì lợi ích của hòa giải mang lại cho các bên tranh chấp và cho xã hội.
Điều 188 Bộ luật Lao động 2019 quy định về trình tự, thủ tục hòa giải tranh chấp lao động cá nhân của hòa giải viên lao động.
“Tranh chấp lao động cá nhân phải được giải quyết thông qua thủ tục hòa giải của hòa giải viên lao động trước khi yêu cầu Hội đồng trọng tài lao động hoặc Tòa án giải quyết, trừ các tranh chấp lao động sau đây không bắt buộc phải qua thủ tục hòa giải:
a) Về xử lý kỷ luật lao động theo hình thức sa thải hoặc về trường hợp bị đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động;
b) Về bồi thường thiệt hại, trợ cấp khi chấm dứt hợp đồng lao động;
c) Giữa người giúp việc gia đình với người sử dụng lao động;
d) Về bảo hiểm xã hội theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội, về bảo hiểm y tế theo quy định của pháp luật về bảo hiểm y tế, về bảo hiểm thất nghiệp theo quy định của pháp luật về việc làm, về bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp theo quy định của pháp luật về an toàn, vệ sinh lao động;
đ) Về bồi thường thiệt hại giữa người lao động với doanh nghiệp, tổ chức đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng;
e) Giữa người lao động thuê lại với người sử dụng lao động thuê lại.”
Cần lưu ý khi áp dụng quy định tại Khoản 1 Điều 188 Bộ luật Lao động 2019 là đối với các tranh chấp lao động cá nhân nêu trên, trước khi lựa chọn tòa án giải quyết thì các bên tranh chấp vẫn có quyền yêu cầu hòa giải viên lao động tiến hành hòa giải.
Thời hiệu yêu cầu hòa giải viên lao động giải quyết
Thời hiệu yêu cầu hòa giải viên lao động giải quyết được thực hiện theo quy định tại Điều 190 Bộ luật Lao động.
Theo pháp luật cũng như yêu cầu thực tiễn của việc giải quyết tranh chấp lao động qua hoà giải, 05 ngày làm việc là khoảng thời gian hòa giải viên lao động phải thu thập tài liệu, chứng cứ, nghiên cứu hồ sơ, chuẩn bị phương án hòa giải và chuẩn bị các điều kiện khác để tổ chức phiên họp hòa giải chính thức giữa các bên. Tuy nhiên, Bộ luật không quy định cụ thể về các vấn đề: liệu hòa giải viên lao động có quyền gặp gỡ các bên tranh chấp trước khi mở phiên họp hòa giải hay không? Có được xin ý kiến chỉ đạo của Trưởng Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội khi xây dựng phương án hòa giải hay không?… Vì vậy, có thể cho rằng, nếu đây là những việc cần thiết cho việc giải quyết tranh chấp lao động và pháp luật không có quy định cấm thì hòa giải viên lao động vẫn nên và có quyền thực hiện.
Hòa giải viên lao động phải tổ chức và kết thúc phiên họp hòa giải tranh chấp lao động trong thời gian nói trên. Phiên họp hoà giải phải có mặt hai bên tranh chấp hoặc đại diện theo ủy quyền của họ. Trường hợp một bên tranh chấp đã được triệu tập hợp lệ đến lần thứ hai mà vẫn vắng mặt không có lý do chính đáng, thì hoà giải viên lao động lập biên bản hoà giải không thành.
Quyền tự định đoạt của các bên tranh chấp bao giờ cũng được đặt lên hàng đầu trong quá trình giải quyết tranh chấp lao động. Vì vậy, trước hết hoà giải viên lao động có trách nhiệm hướng dẫn để các bên tự thương lượng. Trường hợp hai bên thỏa thuận được, hòa giải viên lao động lập biên bản hòa giải thành. Chỉ khi các bên không thỏa thuận được, hòa giải viên lao động mới đưa ra phương án hoà giải để hai bên xem xét, quyết định. Nếu hai bên chấp nhận phương án hoà giải, hoà giải viên lao động lập biên bản hoà giải thành. Nếu hai bên không chấp nhận phương án hoà giải thì hòa giải viên lao động lập biên bản hòa giải không thành.
Bài viết này do các Luật sư thành viên CÔNG TY LUẬT TNHH DƯƠNG HẢI ĐĂNG thực hiện. Lưu ý, bài viết chỉ mang tính chất tham khảo và không nhằm mục đích thương mại. Các điều luật trong bài viết có hiệu lực thời điểm hiện tại (thực hiện bài viết) và có thể được sửa đổi/bổ sung.
Nếu có bất kỳ thắc mắc nào liên quan đến nội dung trên hoặc vấn đề pháp lý khác, quý khách vui lòng liên hệ trực tiếp với chúng tôi qua số hotline: 0965.35.8118 hoặc email: luatduonghaidang@gmail.com để được giải đáp.