Người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp là cá nhân đại diện cho doanh nghiệp tham gia các giao dịch, tham gia tố tụng,... Vậy nếu doanh nghiệp muốn thay đổi người đại diện theo pháp luật thì phải tiến hành theo thủ tục như thế nào?
Quy định pháp luật về người đại diện theo pháp luật của công ty
Người đại diện theo pháp luật của công ty là người đứng đầu công ty, được công ty ủy quyền, thay mặt công ty thực hiện các giao dịch vì lợi ích của công ty, với đối tác, khách hàng và cơ quan Nhà nước. Quyền và chức năng của người đại diện theo pháp luật của công ty được quy định trong Điều lệ doanh nghiệp, các giấy tờ giao dịch phải ghi rõ điều đó.
Người đại diện theo pháp luật của Công ty là Chủ tịch Hội đồng quản trị (Chủ tịch Hội đồng thành viên) hoặc Giám đốc hoặc Tổng giám đốc được quy định tại Điều lệ công ty. Người đại diện theo pháp luật của công ty phải cư trú ở Việt Nam; trong trường hợp vắng mặt thì phải ủy quyền bằng văn bản cho người khác theo quy định tại Điều lệ công ty để thực hiện các quyền và nhiệm vụ của người đại diện theo pháp luật của công ty.
Hồ sơ thay đổi người đại diện theo pháp luật của công ty
- Thông báo thay đổi người đại diện theo pháp luật của công ty;
- Quyết định bằng văn bản về việc thay đổi người đại diện theo pháp luật;
- Bản sao hợp lệ một trong các giấy tờ chứng thực cá nhân còn hiệu lực của người thay thế làm đại diện theo pháp luật:
+ Cá nhân có quốc tịch Việt Nam: Chứng minh thư hoặc hộ chiếu;
+ Cá nhân có quốc tịch nước ngoài: Giấy đăng ký tạm trú do cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam cấp. Giấy phép lao động và Hộ chiếu;
- Bản gốc Giấy phép đăng ký kinh doanh và giấy chứng nhận đăng ký thuế;
- Mục lục hồ sơ (Ghi theo thứ tự trên);
- Bìa hồ sơ (bằng bìa mỏng hoặc nylon cứng không có chữ sử dụng cho mục đích khác).
Trình tự, thủ tục thay đổi người đại diện theo pháp luật của công ty
a) Trình tự, thủ tục thay đổi người đại diện theo pháp luật công ty:
- Nộp hồ sơ: Doanh nghiệp tiến hành nộp hồ sơ và lệ phí đăng ký doanh nghiệp tại Bộ phận một cửa liên thông về đăng ký kinh doanh, đăng ký thuế và đăng ký con dấu tại Sở kế hoạch và đầu tư.
- Tiếp nhận hồ sơ:
+ Cán bộ tại bộ phận một cửa liên thông kiểm tra đầu mục hồ sơ và một số nội dung cần thiết trong hồ sơ.
+ Nếu đủ điều kiện thì tiếp nhận hồ sơ và giao Giấy biên nhận về việc nhận hồ sơ cho người nộp hồ sơ.
- Trả kết quả:
+ Đối với hồ sơ hợp lệ: Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp;
+ Đối với hồ sơ chưa hợp lệ: Thông báo yêu cầu sửa đổi, bổ sung hồ sơ.
b) Cách thực hiện
Nộp trực tiếp tại Bộ phận “một cửa” - Phòng đăng ký kinh doanh - Sở kế hoạch và Đầu tư.
Cơ quan giải quyết
- Cơ quan có thẩm quyền quyết định theo quy định: Phòng Đăng ký kinh doanh - Sở kế hoạch và Đầu tư;
- Cơ quan trực tiếp thực hiện thủ tục: Phòng đăng ký kinh doanh - Sở kế hoạch và Đầu tư.
Thời hạn giải quyết
Trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày nhận hồ sơ, Cơ quan đăng ký kinh doanh có trách nhiệm xem xét tính hợp lệ của hồ sơ và cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp mới; trường hợp hồ sơ chưa hợp lệ, Cơ quan đăng ký kinh doanh phải thông báo bằng văn bản nội dung cần sửa đổi, bổ sung cho doanh nghiệp. Trường hợp từ chối cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp mới thì phải thông báo bằng văn bản cho doanh nghiệp và nêu rõ lý do (Điều 30 Luật doanh nghiệp 2020).
Lưu ý: Bài viết này do các Luật sư thành viên CÔNG TY LUẬT TNHH DƯƠNG HẢI ĐĂNG thực hiện chỉ mang tính chất tham khảo và không nhằm mục đích thương mại. Các điều luật trong bài viết có hiệu lực thời điểm hiện tại (thực hiện bài viết) và có thể được sửa đổi/bổ sung.
Nếu có bất kỳ thắc mắc nào liên quan đến nội dung trên hoặc vấn đề pháp lý khác, quý khách vui lòng liên hệ trực tiếp với chúng tôi qua số hotline: 0965.35.8118 hoặc email: luatduonghaidang@gmail.com để được giải đáp.