Luật đại dương

Điều Kiện Trình Tự Thủ Tục Xin Đổi Họ Và Tên Trên Giấy Khai Sinh

Ngày đăng: 22/02/2024
Trên thực tế, việc đặt họ và tên cho con được cha mẹ rất coi trọng, tuy nhiên trong một vài trường hợp sau khi đã đăng ký khai sinh, ghi nhận họ và tên của con trên giấy khai sinh vì một số lý do nhất định mà công dân có nhu cầu đổi họ và tên trên giấy khai sinh. Tuy nhiên không phải bất cứ trường hợp nào, bất cứ lý do nào cũng được chấp nhận đủ điều kiện để thực hiện thủ tục thay đổi họ và tên.

Điều kiện xin thay đổi họ và tên trên giấy khai sinh

  1. Quyền thay đổi họ

Theo quy định tại Điều 27 Bộ luật Dân sự 2015 công dân có quyền thay đổi họ của mình nếu có một trong những lý do sau đây:

+ Sau khi thực hiện xong thủ tục xác định cha mẹ, con: thì cha, mẹ hoặc chính công dân có quyền yêu cầu thay đổi họ cho con;

+ Tiến hành chuyển từ họ của mẹ đẻ sang họ của cha đẻ hoặc ngược lại từ họ cha đẻ sang họ mẹ đẻ;

+ Khi họ của cha, mẹ thay đổi thì họ của con cũng thay đổi theo;

+ Trong trường hợp nhận con nuôi:

Khi nhận con nuôi thì cha mẹ nuôi có quyền yêu cầu thay đổi họ cho con nuôi từ họ của cha đẻ hoặc mẹ đẻ sang họ của cha nuôi hoặc mẹ nuôi;

Khi không nhận làm con nuôi nữa thì con nuôi hoặc cha đẻ, mẹ đẻ của họ có quyền yêu cầu được lấy lại họ cho người được nhận làm con nuôi về lại họ của cha đẻ hoặc mẹ đẻ;

+ Người bị lưu lạc đã tìm ra nguồn gốc huyết thống của mình được quyền yêu cầu thay đổi họ của họ;

+ Trong quan hệ hôn nhân và gia đình có yếu tố nước ngoài thì vợ hoặc chồng có quyền yêu cầu thay đổi theo họ của người kia để phù hợp với quy định của pháp luật nước mà vợ, chồng người nước ngoài là công dân hoặc thực hiện thủ tục lấy lại họ trước khi thay đổi;

+ Các trường hợp thay đổi họ khác theo quy định của pháp luật về hộ tịch.

  1. Quyền thay đổi tên

Được quy định tại khoản 1 Điều 28 Bộ luật Dân sự 2015. Công dân có quyền thay đổi tên khi thuộc một trong các trường hợp trên:

+ Thay đổi tên khi công dân được xác định lại giới tính, người thực hiện việc chuyển đổi giới tính;

+ Nếu việc sử dụng tên của công dân gây ra hậu quả là nhầm lẫn hoặc việc sử dụng gây ảnh hưởng đến tình cảm gia đình của công dân, ảnh hưởng đến danh dự, quyền và lợi ích hợp pháp của công dân;

+ Theo yêu cầu của cha đẻ, mẹ đẻ hoặc người con khi xác định cha, mẹ cho con;

+ Trong trường hợp nhận nuôi con nuôi thì cha nuôi, mẹ nuôi có quyền yêu cầu đổi việc thay đổi tên cho con nuôi hoặc trở lại tên đã đặt cho con;

+ Thay đổi tên khi người bị lưu lạc tìm ra được nguồn gốc huyết thống của mình và có nhu cầu muốn thay đổi tên;

+ Tên của vợ hoặc chồng có thể được thay đổi trong quan hệ hôn nhân và gia đình có yếu tố nước ngoài nhằm mục đích để phù hợp với pháp luật của nơi mà vợ hoặc chồng là người nước ngoài hoặc trước khi thay đổi làm thủ tục lấy lại tên;

+ Theo quy định của pháp luật về hộ tịch trong một số trường hợp khác;

Ngoài các điều kiện riêng về việc thay đổi tên, cá nhân hay người có yêu cầu muốn thay đổi họ hoặc tên cho bản thân hay cho con thì phải đáp ứng theo quy định tại khoản 1 Điều 7 Nghị định 123/2015/NĐ-CP như sau:

+ Người dưới 18 tuổi thay đổi họ và tên phải được sự đồng ý của cha, mẹ người đó và phải được thể hiện rõ ràng trong Tờ khai điều chỉnh thông tin hộ tịch;

+ Riêng đối với việc thay đổi họ, tên của người từ đủ 9 tuổi trở lên phải có được sự đồng ý của chính người đó.

Trình tự, thủ tục thay đổi họ và tên của công dân

Bước 1: Người có nhu cầu thực hiện việc thay đổi, tên tiến hành chuẩn bị 01 bộ hồ sơ xin thay đổi họ, tên;

Hồ sơ bao gồm các giấy tờ và tài liệu sau đây:

+ Tờ khai thay đổi hộ tịch theo mẫu trong đó có thể hiện sự đồng ý của cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi của các con hoặc chính người muốn thay đổi họ, tên;

+ Giấy khai sinh của người thay đổi họ, tên (bản gốc);

+ Các giấy tờ, tài liệu để chứng minh về lý do, điều kiện thay đổi họ, tên;

Phụ thuộc vào các lý do và điều kiện thay đổi họ, thay đổi tên khác nhau mà phải có các loại giấy tờ, tài liệu chứng minh tương ứng.

+ Giấy chứng minh thư nhân dân của người thực hiện thủ tục;

Bước 2: Nộp hồ sơ

Người yêu cầu nộp bộ hồ sơ đã chuẩn bị nêu trên và nộp tại Uỷ ban nhân dân cấp xã, phường, thị trấn nơi đã đăng ký khai sinh cho công dân.

Bước 3: Tiếp nhận và xử lý hồ sơ

+ Xem xét tính hợp lệ của hồ sơ:

Cán bộ tư pháp - hộ tịch kiểm tra, thẩm định tính hợp lệ của hồ sơ xem có đủ cơ sở, phù hợp với quy định của pháp luật hay không.

+ Nếu hồ sơ hợp lệ:

Tiến hành ghi vào Sổ hộ tịch, cả người yêu cầu và cán bộ tư pháp - hộ tịch cùng ký tên vào Sổ Hộ tịch, sau đó ghi nội dung thay đổi, cải chính hộ tịch vào Giấy khai sinh của công dân.

Nếu đăng ký thay đổi họ, tên không phải tại nơi đăng ký khai sinh trước đây thì Uỷ ban Nhân dân cấp xã nơi tiếp nhận hồ sơ phải thông báo bằng văn bản đồng thời kèm theo bản sao trích lục hộ tịch gửi đến Uỷ ban nhân dân nơi đăng ký khai sinh trước đây để tiến hành ghi vào Sổ hộ tịch.

Nếu nơi đăng ký khai sinh trước đây là Cơ quan đại diện ngoại giao của Việt Nam ở nước ngoài thì Uỷ ban nhân dân cấp xã nơi tiếp nhận hồ sơ phải tiến hành thông báo bằng văn bản đồng thời kèm theo bản sao trích lục hộ tịch gửi đến Bộ Ngoại giao để chuyển đến Cơ quan đại diện ghi vào Sổ hộ tịch.

Sau khi ghi nhận thông tin vào Sổ hộ tịch, Cán bộ tư pháp - hộ tịch tiến hành báo cáo Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp xã trích lục cho người yêu cầu.

+ Nếu hồ sơ không hợp lệ:

Cán bộ tư pháp - hộ tịch tiến hành trả kết quả theo giấy hẹn ban đầu, yêu cầu người nộp hồ sơ bổ sung nếu hồ sơ thiếu giấy tờ, tài liệu luật định hoặc tiến hành trả lại hồ sơ nếu không thể tiến hành thủ tục thay đổi, cải chính thông tin về họ, tên theo quy định của pháp luật.

Thời hạn thực hiện thủ tục thay đổi họ, tên

Theo quy định tại khoản 1 Điều 28 Nghị định 123/2015/NĐ-CP, thời hạn thực hiện thủ tục thay đổi họ và tên của công dân không quá 03 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ.

Tuy nhiên trong trường hợp cần phải xác minh lý do, điều kiện để thay đổi họ và tên thì thời hạn thực hiện được kéo dài thêm nhưng không được quá 03 ngày làm việc. Như vậy, tổng hợp thời gian thực hiện thủ tục thay đổi họ và tên không được quá 06 ngày làm việc.

Lưu ý: Bài viết này do các Luật sư thành viên CÔNG TY LUẬT TNHH DƯƠNG HẢI ĐĂNG thực hiện chỉ mang tính chất tham khảo và không nhằm mục đích thương mại. Các điều luật trong bài viết có hiệu lực thời điểm hiện tại (thực hiện bài viết) và có thể được sửa đổi/bổ sung.

Nếu có bất kỳ thắc mắc nào liên quan đến nội dung trên hoặc vấn đề pháp lý khác, quý khách vui lòng liên hệ trực tiếp với chúng tôi qua số hotline: 0965.35.8118 hoặc email: luatduonghaidang@gmail.com để được giải đáp.

Thông tin liên hệ

ĐOÀN LUẬT SƯ THÀNH PHỐ HÀ NỘI – CÔNG TY LUẬT TNHH DƯƠNG HẢI ĐĂNG
Trụ sở chính: Số 398 Trịnh Đình Cửu, Phường Định Công, Quận Hoàng Mai, thành phố Hà Nội.
Hotline tư vấn pháp luật: 0965 358118.
Email: luatduonghaidang@gmail.com
Đóng