Hiện nay, xu hướng kết hôn với người nước ngoài ngày càng phổ biến, theo đó việc ly hôn có yếu tố nước ngoài xảy ra thường xuyên. Thủ tục ly hôn với người nước ngoài được quy định tại Luật hôn nhân và gia đình 2014 và Bộ luật Tố tụng dân sự 2015 và các văn bản hướng dẫn.
Ly hôn có yếu tố nước ngoài là gì?
Điều 127 Luật Hôn nhân và gia đình 2014 quy định ly hôn có yếu tố nước ngoài bao gồm các trường hợp cụ thể như:
- Ly hôn giữa công dân Việt Nam với người nước ngoài;
- Ly hôn giữa người nước ngoài với nhau thường trú ở Việt Nam khi họ có yêu cầu.
Trong trường hợp bên là công dân Việt Nam không thường trú ở Việt Nam vào thời điểm yêu cầu ly hôn thì việc ly hôn được giải quyết theo pháp luật của nước nơi thường trú chung của vợ chồng; nếu họ không có nơi thường trú chung thì giải quyết theo pháp luật Việt Nam
Việc giải quyết tài sản là bất động sản ở nước ngoài khi ly hôn tuân theo pháp luật của nước nơi có bất động sản đó.
Thẩm quyền giải quyết ly hôn với người nước ngoài
Theo Khoản 3 Điều 35 và Khoản 1 Điều 37 Bộ luật tố tụng dân sự 2015 quy định, thẩm quyền giải quyết ly hôn có yếu tố nước ngoài thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án nhân dân cấp tỉnh.
Trong trường hợp đặc biệt được quy định tại khoản 4 Điều 35 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015, nếu việc ly hôn diễn ra với công dân Việt Nam cư trú ở khu vực biên giới với công dân nước láng giềng cùng cư trú ở khu vực biên giới với Việt Nam thì thẩm quyền thuộc Toà án nhân dân cấp huyện.
Hồ sơ ly hôn với người nước ngoài
Để thực hiện việc ly hôn có yếu tố nước ngoài cần chuẩn bị hồ sơ ly hôn bao gồm:
- Đơn xin ly hôn hôn hoặc Đơn yêu cầu công nhận thuận tình ly hôn (theo mẫu của Tòa án).
- Bản chính Giấy chứng nhận kết hôn (nếu có), trong trường hợp mất bản chính Giấy chứng nhận kết hôn thì nộp bản sao có xác nhận sao y bản chính của các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền.
- Chứng minh nhân dân hoặc Hộ chiếu; Hộ khẩu (bản sao chứng thực).
- Bản sao Giấy khai sinh của con (nếu có con).
- Bản sao chứng thực chứng từ, tài liệu về quyền sở hữu tài sản (nếu có tranh chấp tài sản).
- Hồ sơ tài liệu chứng minh việc một bên đang ở nước ngoài (nếu có)
Lưu ý: Nếu hai bên đăng ký kết hôn theo pháp luật nước ngoài muốn ly hôn tại Việt Nam thì phải hợp thức lãnh sự Giấy đăng ký kết hôn và làm thủ tục ghi chú vào sổ đăng ký tại Sở tư pháp rồi mới nộp đơn xin ly hôn tại Tòa.
Các bước thực hiện thủ tục ly hôn
Bước 1: Nộp hồ sơ hợp lệ về việc xin ly hôn tại Toà án có thẩm quyền.
Bước 2: Trong thời hạn 7-15 ngày, Tòa án sẽ xem xét đúng thẩm quyền, đúng quy định của pháp luật. Sau đó, kiểm tra hồ sơ, nếu hồ sơ đầy đủ và hợp lệ thì Tòa án sẽ gửi thông báo tạm ứng án phí.
Bước 3: Nộp tiền tạm ứng án phí dân sự tại Chi cục thi hành án dân sự có thẩm quyền và nộp biên lai tạm ứng án phí cho Toà án. Thời gian giải quyết vụ việc ly hôn có yếu tố nước ngoài là từ đủ 4-6 tháng từ ngày thụ lý theo quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự 2015. Theo quy định tại Nghị quyết 326/2016/UBTVQH14 thì mức án phí sơ thẩm trong vụ việc ly hôn là 300.000 đồng nếu không có tranh chấp về tài sản; nếu có tranh chấp về tài sản, án phí được xác định theo giá trị tài sản…
Bước 4: Toà án mở phiên hòa giải tại toà và tiến hành thủ tục ly hôn tại Tòa theo thủ tục sơ thẩm.
Theo Điều 476 Bộ luật tố tụng Dân sự 2015 Tòa án phải gửi thông báo thụ lý vụ án, trong đó nêu rõ thời gian, địa điểm mở phiên họp kiểm tra việc giao nộp, tiếp cận, công khai chứng cứ và hòa giải (sau đây gọi chung là phiên họp hòa giải), mở lại phiên họp hòa giải, mở phiên tòa và mở lại phiên tòa trong văn bản thông báo thụ lý vụ án cho đương sự ở nước ngoài.
Thời hạn mở phiên tòa, phiên họp hoà giải được xác định như sau
Phiên họp hòa giải phải được mở sớm nhất là 06 tháng và chậm nhất là 08 tháng, kể từ ngày ra văn bản thông báo thụ lý vụ án. Ngày mở lại phiên họp hòa giải (nếu có) được ấn định cách ngày mở phiên họp hòa giải chậm nhất là 01 tháng;
Phiên tòa phải được mở sớm nhất là 09 tháng và chậm nhất là 12 tháng, kể từ ngày ra văn bản thông báo thụ lý vụ án. Ngày mở lại phiên tòa (nếu có) được ấn định cách ngày mở phiên tòa chậm nhất là 01 tháng, trừ trường hợp quy định tại khoản 4 Điều 477 của Bộ luật này.
Tòa án phải gửi thông báo thụ lý việc dân sự, trong đó nêu rõ thời gian, địa điểm mở phiên họp, mở lại phiên họp giải quyết việc dân sự trong văn bản thông báo thụ lý việc dân sự cho đương sự ở nước ngoài.
Phiên họp phải được mở sớm nhất là 06 tháng và chậm nhất là 08 tháng, kể từ ngày ra văn bản thông báo thụ lý việc dân sự. Ngày mở lại phiên họp giải quyết việc dân sự (nếu có) được ấn định cách ngày mở phiên họp lần đầu chậm nhất là 01 tháng.
Về thời hạn giải quyết
Tuỳ vào từng vụ việc cụ thể mà thời hạn giải quyết khác nhau. Trên cơ sở luật định thì thời hạn chuẩn bị xét xử là từ 4-6 tháng kể từ ngày thụ lý vụ án; Thời hạn mở phiên toà từ 01-02 tháng kể từ ngày có quyết định đưa vụ án ra xét xử.
Bài viết này do các Luật sư thành viên CÔNG TY LUẬT TNHH DƯƠNG HẢI ĐĂNG thực hiện. Lưu ý, bài viết chỉ mang tính chất tham khảo và không nhằm mục đích thương mại. Các điều luật trong bài viết có hiệu lực thời điểm hiện tại (thực hiện bài viết) và có thể được sửa đổi/bổ sung.
Nếu có bất kỳ thắc mắc nào liên quan đến nội dung trên hoặc vấn đề pháp lý khác, quý khách vui lòng liên hệ trực tiếp với chúng tôi qua số hotline: 0965.35.8118 hoặc email: luatduonghaidang@gmail.com để được giải đáp.