Câu hỏi: Mình là công dân Việt Nam, chồng mình là người nước ngoài (là người Mỹ), kết hôn tính đến nay đã được 04 năm, vợ chồng mình chưa có con chung, 2 vợ chồng có rất nhiều mâu thuẫn khiến cho cuộc sống của vợ chồng ngày càng tẻ nhạt, thường xuyên cãi nhau và không thống nhất được quan điểm trong cuộc sống, nay cả 2 người đều thuận tình ly hôn. Cho mình hỏi: Thẩm quyền giải quyết ly hôn thuận tình có yếu tố nước ngoài trong vụ việc của mình là cơ quan nào? Ở Việt Nam hay tại Mỹ?
Trả lời:
Ly hôn thuận tình có yếu tố nước ngoài
Theo quy định của pháp luật tại Khoản 25 Điều 3 Luật Hôn nhân và Gia đình 2014 có quy định như sau: “Quan hệ hôn nhân và gia đình có yếu tố nước ngoài là quan hệ hôn nhân và gia đình mà ít nhất một bên tham gia là người nước ngoài, người Việt Nam định cư ở nước ngoài; quan hệ hôn nhân và gia đình giữa các bên tham gia là công dân Việt Nam nhưng căn cứ để xác lập, thay đổi, chấm dứt quan hệ đó theo pháp luật nước ngoài, phát sinh tại nước ngoài hoặc tài sản liên quan đến quan hệ đó ở nước ngoài”.
Như vậy, với thông tin mà bạn đã cung cấp đến cho chúng tôi: thì bạn là công dân Việt Nam, còn chồng của bạn là người Mỹ, như vậy hôn nhân giữa hai bạn là hôn nhân có yếu tố nước ngoài.
Theo quy định tại Điều 127 Luật Hôn nhân và Gia đình 2014 có quy định về ly hôn có yếu tố nước ngoài như sau:
“1. Việc ly hôn giữa công dân Việt Nam với người nước ngoài, giữa người nước ngoài với nhau thường trú ở Việt Nam được giải quyết tại cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam theo quy định của Luật này.
2. Trong trường hợp bên là công dân Việt Nam không thường trú ở Việt Nam vào thời điểm yêu cầu ly hôn thì việc ly hôn được giải quyết theo pháp luật của nước nơi thường trú chung của vợ chồng; nếu họ không có nơi thường trú chung thì giải quyết theo pháp luật Việt Nam.
3. Việc giải quyết tài sản là bất động sản ở nước ngoài khi ly hôn tuân theo pháp luật của nước nơi có bất động sản đó”.
Thẩm quyền giải quyết ly hôn thuận tình có yếu tố nước ngoài
Do thông tin mà bạn cung cấp đến cho chúng tôi chưa đầy đủ, nên chúng tôi sẽ chia theo hai trường hợp như sau:
Trường hợp 1: Chồng bạn và bạn đang thường trú tại Việt Nam: việc ly hôn giữa bạn và chồng bạn sẽ được giải quyết tại cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam.
Theo Khoản 2 Điều 29 Bộ luật tố tụng dân sự 2015: Những yêu cầu về hôn nhân và gia đình thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án.
Trong đó có quy định yêu cầu công nhận thuận tình ly hôn, thỏa thuận nuôi con, chia tài sản sau khi ly hôn.
Tức là đối với những yêu cầu xin công nhận thuận tình ly hôn, thỏa thuận nuôi con, chia tài sản sau khi ly hôn là thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án
Theo Điểm h Khoản 2 điều 39 Bộ luật tố tụng dân sự 2015 về thẩm quyền của Tòa án theo lãnh thổ quy định: “Tòa án nơi một trong các bên thuận tình ly hôn, thỏa thuận nuôi con, chia tài sản khi ly hôn cư trú, làm việc có thẩm quyền giải quyết yêu cầu công nhận thuận tình ly hôn, thỏa thuận nuôi con, chia tài sản sau khi ly hôn.”
Theo quy định của pháp luật tố tụng dân sự tại Điều 35 Bộ luật Tố tụng Dân sự 2015 có quy định về Thẩm quyền của Tòa án nhân dân cấp Huyện có quy định như sau:
“3. Những tranh chấp, yêu cầu quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều này mà có đương sự hoặc tài sản ở nước ngoài hoặc cần phải ủy thác tư pháp cho cơ quan đại diện nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam ở nước ngoài, cho Tòa án, cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài không thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án nhân dân cấp huyện, trừ trường hợp quy định tại khoản 4 Điều này”.
Và theo quy định tại điểm b Khoản 1 Điều 37 Bộ luật tố tụng dân sự 2015: “Quy định về thẩm quyền giải quyết của Tòa án nhân dân cấp Tỉnh có bao gồm giải quyết sơ thẩm yêu cầu về dân sự, hôn nhân và gia đình.”
Như vậy, dựa vào các căn cứ trên cơ quan có thẩm quyền giải quyết việc ly hôn của bạn và chồng bạn là Toà án. Vì quan hệ hôn nhân của bạn và chồng bạn là quan hệ hôn nhân có yếu tố nước ngoài nên cấp Toà án có thẩm quyền giải quyết là Toà án nhân dân cấp tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương nơi bạn hoặc chồng bạn đăng ký hộ khẩu thường trú có thẩm quyền giải quyết yêu cầu công nhận thuận tình ly hôn có yếu tố nước ngoài. Toà án nhân dân cấp Huyện không có thẩm quyền giải quyết việc ly hôn có yếu tố nước ngoài của bạn, bạn nên chú ý để tránh nhầm lẫn.
Trường hợp 2: Trong trường hợp bạn và chồng bạn đang thường trú tại Mỹ
Căn cứ theo Khoản 2 Điều 127 Luật hôn nhân và gia đình 2014: Trong trường hợp bạn là công dân Việt Nam không thường trú ở Việt Nam vào thời điểm yêu cầu ly hôn thì việc ly hôn được giải quyết theo pháp luật của nước nơi thường trú chung của vợ chồng. Tức là trong trường hợp của bạn, nếu bạn đang cư trú tại Mỹ cùng chồng của bạn thì việc ly hôn của bạn sẽ được giải quyết theo pháp luật của nước Mỹ, nơi thường trú chung của vợ chồng.
Nhưng đối với trường hợp thứ hai này, bạn cần chú ý rằng: Theo Khoản 2 Điều 122 Luật Hôn nhân và Gia đình 2014 có quy định về Áp dụng pháp luật đối với quan hệ hôn nhân và gia đình có yếu tố nước ngoài như sau: Trong trường hợp Luật này, các văn bản pháp luật khác của Việt Nam có dẫn chiếu về việc áp dụng pháp luật nước ngoài thì pháp luật nước ngoài được áp dụng, nếu việc áp dụng đó không trái với các nguyên tắc cơ bản được quy định tại Điều 2 của Luật này.
Trong trường hợp pháp luật nước ngoài dẫn chiếu trở lại pháp luật Việt Nam thì áp dụng pháp luật về hôn nhân và gia đình Việt Nam.
Như vậy, nếu như pháp luật nước Mỹ mà dẫn chiếu tới pháp luật Việt Nam thì pháp luật Việt Nam về quan hệ hôn nhân và gia đình Việt Nam sẽ được áp dụng khi giải quyết việc ly hôn giữa chồng bạn và bạn. Còn nếu như pháp luật nước Mỹ không dẫn chiếu thì như phân tích ở trên, việc ly hôn của bạn sẽ được giải quyết theo các thủ tục ở Mỹ.
Bài viết này do các Luật sư thành viên CÔNG TY LUẬT TNHH DƯƠNG HẢI ĐĂNG thực hiện. Lưu ý, bài viết chỉ mang tính chất tham khảo và không nhằm mục đích thương mại. Các điều luật trong bài viết có hiệu lực thời điểm hiện tại (thực hiện bài viết) và có thể được sửa đổi/bổ sung.
Nếu có bất kỳ thắc mắc nào liên quan đến nội dung trên hoặc vấn đề pháp lý khác, quý khách vui lòng liên hệ trực tiếp với chúng tôi qua số hotline: 0965.35.8118 hoặc email: luatduonghaidang@gmail.com để được giải đáp.