Luật đại dương

Tội Lạm Dụng Tín Nhiệm Chiếm Đoạt Tài Sản

Ngày đăng: 12/01/2024
Tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản được quy định tại Điều 175 bộ luật hình sự năm 2015 (sửa đổi bổ sung năm 2017). Chi tiết sẽ được lý giải trong bài viết dưới đây của chúng tôi!

Quy định pháp luật về tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản

Điều 175: Tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản

1.  Người nào thực hiện một trong các hành vi sau đây chiếm đoạt tài sản của người khác trị giá từ 4.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng hoặc dưới 4.000.000 đồng nhưng đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi chiếm đoạt tài sản hoặc đã bị kết án về tội này hoặc về một trong các tội quy định tại điều 168, 169, 170, 171, 172, 173, 174 và 290 của Bộ luật này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm hoặc tài sản là phương tiện kiếm sống chính của người bị hại và gia đình họ, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm;

a)  Vay, mượn, thuê tài sản của người khác hoặc nhận được tài sản của người khác bằng hình thức hợp đồng rồi dùng thủ đoạn gian dối hoặc bỏ trốn để chiếm đoạt tài sản đó hoặc đến thời hạn trả lại tài sản mặc dù có điều kiện, khả năng nhưng cố tình không trả;

b) Vay, mượn, thuê tài sản của người khác hoặc nhận được tài sản đó vào mục đích bất hợp pháp dẫn đến không có khả năng trả lại tài sản.

2.  Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm:

a)  Có tổ chức;

b) Có tính chất chuyên nghiệp;

c)  Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 50.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng

d) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn hoặc lợi dụng danh nghĩa cơ quan, tổ chức;

đ)  Dùng thủ đoạn xảo quyệt;

e) Gây ảnh hưởng xấu đến an ninh trật tự, an toàn xã hội;

g) Tái phạm nguy hiểm.

3.  Phạm tội chiếm đoạt tài sản trị giá từ 200.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng thì bị phạt tù từ 05 năm đến 12 năm.

4.  Phạm tội chiếm đoạt tài sản trị giá 500.000.000 đồng trở lên, thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm.

5.  Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến dưới 100.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.

Bình luận về tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản

Luật Dương Hải Đăng sẽ giúp bạn đọc hiểu rõ hơn về tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản thông qua những bình luận dưới đây:

Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản là gì?

Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản được hiểu là hành vi sau khi vay, mượn, thuê hoặc nhận được tài sản của người khác bằng hình thức hợp đồng đã dùng thủ đoạn gian dối hoặc bỏ trốn để chiếm đoạt tài sản đó hoặc đến thời hạn trả lại mặc dù có điều kiện, khả năng nhưng cố tình không trả lại tài sản hoặc đã sử dụng tài sản đó vào mục đích bất hợp pháp dẫn đến không có khả năng trả lại tài sản.

Các yếu tố cấu thành tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản

a) Mặt khách quan

Mặt khách quan của tội này có các dấu hiệu sau:

* Về hành vi: Có một trong các hành vi sau đây:

Có hành vi chiếm đoạt tài sản của người khác. Được hiểu là hành vi chuyển dịch một cách trái phép tài sản của người khác thành tài sản của mình. Sau khi vay, mượn, thuê hoặc nhận được tài sản của người khác bằng thủ đoạn gian dối chiếm đoạt hoặc đến thời hạn trả lại tài sản mặc dù có điều kiện, khả năng nhưng cố tình không trả.

Chỉ được coi là hành vi chiếm đoạt khi:

+ Được coi là điều kiện, khả năng nhưng cố tình không trả khi bản thân người phạm tội có tài sản ( như có nhà, đất,…) hoặc có nguồn tài sản ( như có phần tài sản hưởng thừa kế chưa chia…) nhưng đã tìm mọi cách thoái thác việc trả nợ hoặc tuyên bố không trả nợ hoặc né tránh việc trả nợ ( như khi có người đến đòi nợ nhưng tránh mặt,...)

Tuy nhiên những trường hợp có hứa hẹn trả nợ và họ chưa có điều kiện trả nợ ( như có nhà, đất nhưng chưa bán được…) thì không được coi là cố tình không trả nợ.

+ Dùng thủ đoạn gian dối để không phải trả lại tài sản. Thủ đoạn này tương tự như thủ đoạn nêu ở tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản nhưng là nhằm để chiếm đoạt tài sản không qua các giao dịch hợp pháp đã được thực hiện trước đó mà không có ý thức chiếm đoạt trước khi thực hiện các giao dịch đó.

+ Có hành vi bỏ trốn. Được hiểu là hành vi trốn tránh để không thực hiện nghĩa vụ trả tiền sau khi đã giao dịch với người khác bằng hình thức vay, mượn, thuê tài sản. Để xác định một người có bỏ trốn hay không cần xác định các dấu hiệu sau: Việc họ rời bỏ nơi cư trú là lén lút hay công khai ( có khai báo tạm trú, tạm vắng hay không ); Lý do việc rời bỏ nơi cư trú; Mục đích của việc rời bỏ nơi cư trú; Việc rời bỏ nơi cư trú là tạm thời hay không xác định thời hạn.

+ Có hành vi sử dụng tài sản mà mình đã vay, mượn, thuê hoặc nhận được tài sản của người khác bằng các hình thức hợp đồng vào các mục đích bất hợp pháp ( như dùng tiền vay để đánh số đề, đánh bạc, buôn lậu,…) dẫn đến không có khả năng trả lại tài sản cho bên cho vay, cho mượn hoặc giao tài sản.

Đặc điểm của hành vi chiếm đoạt tài sản trên là sau khi nhận được tài sản thông qua các giao dịch hợp pháp như vay, mượn, thuê hoặc nhận được tài sản của người khác ( như do người khác gửi, giữ,..) bằng hình thức hợp đồng dân sự hoặc hợp đồng kinh tế.

+ Tài sản chiếm đoạt là tài sản đang do người phạm tội quản lý, nên thường không có giai đoạn phạm tội chưa đạt, vì hành vi phạm tội luôn đồng nghĩa với việc chiếm đoạt tài sản đã hoàn thành. Nếu người phạm tội dùng thủ đoạn gian dối để chiếm đoạt tài sản do mình quản lý, nhưng vì do khách quan nên chưa chiếm đoạt được tài sản, thì trường hợp này có giai đoạn phạm tội chưa đạt. Tội phạm hoàn thành kể từ khi hậu quả đã xảy ra do người phạm tội thực hiện hành vi gian dối, bỏ trốn hoặc sử dụng tài sản có được một cách hợp pháp vào mục đích bất hợp pháp.

* Một số dấu hiệu khác:

Giá trị của tài sản bị chiếm đoạt phải từ 4.000.000. đồng trở lên mới bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

Nếu dưới 4.000.000 đồng thì phải thuộc trường hợp đã bị xử phạt hành chính về hành vi chiếm đoạt (như công nhiên chiếm đoạt tài sản, lừa đảo chiếm đoạt tài sản,…) hoặc đã bị kết án về tội này hoặc các tội chiếm đoạt tài sản được quy định tại điều 168, 169, 170, 171, 172, 173, 174, 290 chưa được xóa án tích mà còn vi phạm.

Tài sản là phương tiện kiếm sống chính của người bị hại.

b) Khách thể

Khách thể của tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản cũng tương tự như các tội có tính chất chiếm đoạt khác, nhưng tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản không xâm phạm đến quan hệ nhân thân mà chỉ xâm phạm đến quan hệ sở hữu, đây cũng là một điểm khác với các tội cướp tài sản, tội bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản, tội cướp giật tài sản, đặc điểm này được thể hiện trong cấu thành tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản nhà làm luật không quy định thiệt hại về tính mạng, sức khỏe là tình tiết định khung hình phạt. Vì vậy, nếu sau khi đã chiếm đoạt được tài sản, người phạm tội bị đuổi bắt mà có hành vi chống trả để tẩu thoát, gây chết người hoặc gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác thì tùy từng trường hợp cụ thể mà người phạm tội còn phải bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội giết người hoặc tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác.

c) Mặt chủ quan

Người phạm tội thực hiện tội phạm này với lỗi cố ý.

Tuy nhiên cần lưu ý, mục đích chiếm đoạt tài sản chỉ phát sinh sau khi đã nhận được tài sản thông qua các giao dịch hợp pháp. Đây là điểm khác biệt cơ bản với tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Trong quá trình thực hiện tội phạm người phạm tội còn có thể có những mục đích khác cùng với mục đích chiếm đoạt. Trường hợp này, người phạm tội vẫn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội lạm dụng chiếm đoạt tài sản.

Tuy nhiên, có một số trường hợp lại cấu thành tội danh độc lập khác, thì bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội danh tương ứng ấy.

d) Chủ thể

Chủ thể của tội phạm này là bất kì người nào có năng lực trách nhiệm hình sự. Đạt độ tuổi từ 16 tuổi trở lên. Đây là một trong các điểm mới của Bộ luật hình sự 2015 so với Bộ luật hình sự 1999, bộ luật mới đã có sự tách bạch rõ ràng hơn về độ tuổi chịu trách nhiệm hình sự đối với người phạm tội.

Về hình phạt

Khung 1: Có mức phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm.

Khung 2: Có mức phạt tù từ 02 năm đến 07 năm.

Khung 3: Có mức phạt tù từ 05 năm đến 12 năm.

Khung 4: Có mức phạt tù từ 12 năm đến 20 năm.

Ngoài việc bị áp dụng một trong những hình phạt chính nêu trên, tùy từng trường hợp cụ thể người phạm tội  còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.

Lưu ý: Bài viết này do các Luật sư thành viên CÔNG TY LUẬT TNHH DƯƠNG HẢI ĐĂNG thực hiện chỉ mang tính chất tham khảo và không nhằm mục đích thương mại. Các điều luật trong bài viết có hiệu lực thời điểm hiện tại(thực hiện bài viết) và có thể được sửa đổi/bổ sung.

Nếu có bất kỳ thắc mắc nào liên quan đến nội dung trên hoặc vấn đề pháp lý khác, quý khách vui lòng liên hệ trực tiếp với chúng tôi qua số hotline: 0965.35.8118 hoặc email: luatduonghaidang@gmail.com để được giải đáp.
tin tức cùng chuyên mục:
Tội Vô Ý Làm Chết Người Do Vi Phạm Quy Tắc Nghề Nghiệp Hoặc Quy Tắc Hành Chính Tại Bộ Luật Hình Sự 2015 (105 Lượt xem)
Tội Hiếp Dâm Người Dưới 16 Tuổi - Bộ Luật Hình Sự 2015 (102 Lượt xem)
Tội Cố Ý Gây Thương Tích Hoặc Làm Tổn Hại Đến Sức Khỏe Của Người Khác (100 Lượt xem)
Hướng Dẫn Về Tội Mua Bán Người Và Tội Mua Bán Người Dưới 16 Tuổi Của Bộ Luật Hình Sự 2015 (123 Lượt xem)
Điều Kiện Để Hưởng Án Treo (154 Lượt xem)
Điều Kiện Tha Tù Trước Thời Hạn Có Điều Kiện, Những Bất Cập Và Kiến Nghị Hoàn Thiện (152 Lượt xem)
Tội Đe Doạ Giết Người Tại Bộ Luật Hình Sự Năm 2015 (127 Lượt xem)
Tội Tàng Trữ, Mua Bán Trái Phép Chất Ma Túy - Vướng Mắc Khi Xử Lý (131 Lượt xem)
Tội Thao Túng Thị Trường Chứng Khoán - Quy Định Tại Bộ Luật Hình Sự 2015 (111 Lượt xem)
Tội Hành Hạ Người Khác Theo Quy Định Của Bộ Luật Hình Sự 2015 (117 Lượt xem)
Tội Giết Người Trong Trạng Thái Tinh Thần Kích Động Mạnh (137 Lượt xem)
Tội Bắt, Giữ Hoặc Giam Người Trái Pháp Luật (135 Lượt xem)
Quyền Của Người Chưa Thành Niên Phạm Tội Theo Pháp Luật Quốc Tế Và Pháp Luật Việt Nam (170 Lượt xem)
Quy Định Mới Về Xét Xử Vụ Án Có Bị Cáo, Người Bị Hại Là Người Dưới 18 Tuổi (148 Lượt xem)
Pháp Nhân Thương Mại Phải Chịu Trách Nhiệm Hình Sự Khi Nào? (146 Lượt xem)
Khởi Tố Vụ Án Hình Sự Theo Yêu Cầu Của Bị Hại (116 Lượt xem)
Khi Nào Được Khám Người Mà Không Cần Lệnh? (157 Lượt xem)
Có Được Thăm Phạm Nhân Khi Chưa Là Vợ Chồng? (130 Lượt xem)
Chính sách hình sự đối với người dưới 18 tuổi (157 Lượt xem)

Thông tin liên hệ

ĐOÀN LUẬT SƯ THÀNH PHỐ HÀ NỘI – CÔNG TY LUẬT TNHH DƯƠNG HẢI ĐĂNG
Trụ sở chính: Số 398 Trịnh Đình Cửu, Phường Định Công, Quận Hoàng Mai, thành phố Hà Nội.
Hotline tư vấn pháp luật: 0965 358118.
Email: luatduonghaidang@gmail.com
Đóng